Hai lần mỗi tuần, bắt đầu từ khung 4 giờ sáng, không khí tại các xưởng sản xuất của anh Trần Văn Huy (Nam Định) trở nên tất bật. Hàng loạt chuyến xe nối đuôi nhau chờ bốc hàng để kịp chuyển đến kho Bắc Ninh và Củ Chi thuộc quản lý của sàn TMĐT Shopee.
Sau nửa năm tham gia dự án “Chuyển đổi số Doanh nghiệp qua Thương mại điện tử” của Shopee theo mô hình M2C, tức đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến thẳng tay người tiêu dùng qua một kênh trung gian duy nhất, gia đình anh Huy chứng kiến sự thay đổi đáng kinh ngạc về tốc độ mở rộng quy mô sản xuất.
Từ chỗ 700 sản phẩm cho đơn đặt hàng đầu tiên vào tháng 12/2023, đến nay số lượng cung ứng đã ổn định ở mức 250.000 đơn vị sản phẩm mỗi tháng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho gần 150 nhân công tại địa phương.
“Dự án của Shopee mở rộng rất nhanh và lượng hàng hóa phải cung ứng ngày một nhiều. Điều này một mặt tạo áp lực lên quá trình sản xuất nhưng mặt khác tạo ra nguồn thu lớn cho doanh nghiệp, đủ để chúng tôi xoay vòng vốn và mở thêm 3 xưởng mới nữa để đẩy mạnh tốc độ gia công”, anh Huy cho biết.
Theo chia sẻ thêm từ hộ sản xuất Trần Văn Huy, Shopee cũng hỗ trợ toàn bộ khâu vận chuyển hàng hóa đến kho tập kết, làm chương trình bán hàng và chăm sóc khách hàng.
Tính chủ chốt của TMĐT trong mô hình M2C
Theo lý thuyết, M2C là phương pháp sản xuất và phân phối hàng hòa trực tiếp từ nhà máy đến khách hàng cuối cùng mà không thông qua trung gian. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xu hướng dịch chuyển sang mua sắm trên nền tảng online đã tác động đến cấu trúc M2C. Cụ thể là sự xuất hiện của các nền tảng TMĐT trong vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất và người dùng cuối.
Sự khác biệt giữa quy trình bán hàng truyền thống và bán theo dạng M2C qua sàn TMĐT. Nguồn ảnh: Core DNA
Với bán hàng truyền thống, doanh nghiệp sản xuất phải trải qua nhiều quy trình từ sản xuất, phân phối đến các đối tác trung gian đến vận chuyển cho người tiêu dùng, đồng nghĩa với việc phải tốn nhiều thời gian và chi phí thì sản phẩm mới đến tay khách hàng. Dự án “Chuyển đổi số Doanh nghiệp qua Thương mại điện tử” của Shopee tối giản hóa toàn bộ chu trình này và giải quyết các khó khăn tồn đọng của nhà sản xuất bằng các giải pháp mang tính trực diện.
Nhà sản xuất không cần tự mình đi tìm đầu ra vì có thể tiếp cận với hàng chục triệu người dùng Shopee khi tham gia dự án. Đặc biệt, sàn đảm trách toàn bộ các khâu vận hành, marketing, truyền thông, hỗ trợ khảo sát thị trường, tìm hiểu thị hiếu người dùng và đề xuất mẫu bán chạy, giúp doanh nghiệp tập trung hoàn toàn vào khâu sản xuất và kiện toàn chất lượng sản phẩm.
“Trước đây, chúng tôi đã từng thử sức với TMĐT nhưng gặp nhiều khó khăn trong vận hành. Rất may mắn khi mô hình M2C của Shopee có thể giải quyết được hạn chế này”, anh Phạm Ngọc Tài, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Quốc tế PTS cho biết.
Hướng đi triển vọng cho nhiều doanh nghiệp MSME
Theo báo cáo mới nhất của Metric, tổng doanh thu trên 5 sàn TMĐT bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam trong quý II/2024, đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Shopee tiếp tục dẫn đầu với 67,9% thị phần.
Song song đó, thống kê của NielsenIQ Việt Nam chỉ rõ, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Trung bình, mỗi người mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.
Rõ ràng, cơ hội dành cho các nhà sản xuất theo đuổi mô hình M2C qua TMĐT là nhiều hứa hẹn khi nhu cầu mua sắm online ngày một lớn, nhất là trong bối cảnh thị trường TMĐT Việt Nam đang phát triển vượt kỳ vọng.
Thực tế cũng cho thấy, kể từ khi tham gia dự án “Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại Điện tử” của Shopee từ tháng 3 năm nay, PTS nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất lên 1,5 lần so với thời điểm mới bắt đầu.
Một doanh nghiệp khác là ABH cũng hoàn thiện gần 500.000 đơn vị sản phẩm do sàn đặt hàng với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng sau hơn 5 tháng đi cùng Shopee. Về tổng quan, 140 đơn vị tham gia dự án đều đạt mức tăng trưởng từ 2 - 20 lần sau hơn nửa năm đi vào vận hành.
Từ góc nhìn chuyên gia, mô hình M2C được dự báo sẽ ngày càng phổ biến khi có thể cân bằng lợi ích giữa sàn TMĐT và “kiềng ba chân” gồm nhà sản xuất, người mua lẫn nền kinh tế cộng đồng.
Nhà sản xuất đạt lợi nhuận tốt vì họ có thể bỏ qua các lớp phân phối trung gian và đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua sự hỗ trợ của sàn TMĐT. Mặt khác, người tiêu dùng nhận được các sản phẩm tốt với mức giá cạnh tranh với nhiều ưu đãi gia tăng như voucher giảm giá, freeship từ sàn. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp M2C cũng trực tiếp tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương và góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế bản địa.
Các doanh nghiệp M2C tham gia dự án của Shopee đang tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm tại các địa phương. Ảnh: Shopee
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, Shopee sẽ mở rộng hợp tác với hơn 1.000 nhà sản xuất, cung ứng tại nhiều tỉnh thành trên toàn Việt Nam trong khuôn khổ dự án “Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại Điện tử”. Sàn cũng đang chuẩn bị nhiều kế hoạch phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành để đẩy mạnh bán hàng trực tuyến theo đúng “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: Doãn Phong - Vietnamnet.vn